TÌM HIỂU CÁCH VIẾT VỀ MÔN HỌC SỞ TRƯỜNG TRONG HỒ SƠ XIN VIỆC TẠI NHẬT

🖌🖌 TÌM HIỂU CÁCH VIẾT VỀ MÔN HỌC SỞ TRƯỜNG TRONG HỒ SƠ XIN VIỆC TẠI NHẬT

Trong các mẫu Rirekisho (Hồ sơ xin việc tại Nhật) rất hay xuất hiện mục môn học sở trường (得意科目), nhưng lại bị khá nhiều bạn bỏ qua, một phần cũng vì không hiểu phải viết như thế nào cho đúng. Để mọi người có thêm thông tin tham khảo khi viết mục này trong CV, trong bài viết ngày hôm nay, Tomoni xin chia sẻ về cách viết và các ví dụ cụ thể để viết phần 得意科目 nhé!

1. Tại sao hồ sơ xin việc tại Nhật lại hỏi về môn học sở trường?

   Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin việc, hầu hết các bạn sinh viên thường có xu hướng xem nhẹ mục 得意科目 (môn học sở trường), hoặc đề cập rất đơn giản đó là môn học gì, đã đạt thành tích như thế nào… Nhưng phần môn học sở trường này lại là một trong những mục mà các nhà tuyển dụng khá để ý. Trong quá trình xem xét hồ sơ khi xét tuyển, người phụ trách tuyển dụng sẽ dựa vào nội dung của môn học sở trường để nhìn nhận mức độ quan tâm và sự hứng thú đối với việc học tập của ứng viên, đồng thời đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với công việc. Có thể nói, đối với sinh viên, học hành chính là công việc, nên một thái độ học tập nghiêm túc cũng thể hiện sự trách nhiệm và nhiệt huyết trong công việc sau này.

Vậy nên việc chăm chút cho chủ đề môn học sở trường chính là thể hiện mức độ đầu tư cho công việc trong tương lai.

  Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên học giỏi đều tất cả các môn, đồng thời cũng có trường hợp không giỏi môn nào. Vậy làm sao để chọn được một môn học sở trường của bản thân? Trong trường hợp này bạn có thể xem xét đến thành tích của các môn học để lựa chọn. Một môn học có thành tích tốt cũng là môn học bản thân hứng thú nhất, mới có thể tạo động lực học tập đạt kết quả tốt. Hơn nữa, điểm quan trọng cần lưu ý là môn học được chọn phải có liên quan đến ngành nghề muốn ứng tuyển. 

Ví dụ: ứng tuyển công việc Kế toán-Kiểm toán thì nên chọn môn học sở trường là Boki (商工簿記検定科目), công việc liên quan đến Global Communication thì môn học sở trường nên là Ngoại ngữ, Quốc tế học…. 

2. Cách viết

   Để viết về chủ đề Môn học sở trường theo đúng quy tắc của nhà tuyển dụng Nhật cần 2 bước.

  • Bước thứ nhất: trình bày bằng cách bắt đầu từ phần kết luận, đề cập trực tiếp về môn học ở câu đầu tiên.

Ví dụ: Môn học yêu thích của tôi là… (私の得意とする科目は○○です。)

  Đặc trưng của tiếng Nhật là luôn nhấn mạnh điều quan trọng ở phần phía sau câu văn. Điều đó cũng được thể hiện qua tính cách của người Nhật, luôn dẫn dắt một cách ý tứ, khéo léo để dẫn đến vấn đề muốn đề cập. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, đây lại là điểm trừ lớn gây nên tình trạng diễn đạt lan man, dài dòng. Chính vì thế, để tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng, môn học sở trường nên được đề cập trực tiếp và cụ thể ngay đầu văn bản.    

  • Bước thứ hai: trình bày dẫn chứng để giải thích và tổng kết cho chủ đề. Ở phần này đặc biệt cần lưu ý đến cách sử dụng dấu câu và độ dài câu để dẫn chứng sao cho thuyết phục nhất.

Ví dụ:  X 私の得意科目は〇〇で、例えば〇〇というものを習った時に……、それは私の〇〇という性質に合ったものだったからです。

 Trong trường hợp này đảm bảo quy tắc “kết luận-dẫn chứng” trong đoạn văn, nhưng cách sử dụng dấu phẩy 「、」khiến câu văn trở nên dài dòng, không nhấn mạnh được vấn đề.

  Có thể tham khảo cách viết sau đây:

       O私の得意科目は〇〇です。例えば、〇〇というものを習った時に… それは私の△△という性質に合ったものだったからです。

  Sử dụng dấu 「。」 để ngắt nghỉ trong đoạn văn giúp nội dung rõ ràng, rành mạch và dễ nắm bắt. Hơn hết, cách viết này giúp giúp các nhà tuyển dụng hình dung cụ thể các dẫn chứng sau câu chủ đề hơn. Tuy nhiên, cần tránh trường hợp lạm dụng dấu câu, nên xem xét nội dung và độ dài câu sao cho phù hợp nhất.

Ngoài ra, đối với chủ đề môn học sở trường, cần lưu ý các điểm sau đây:

– Tránh sao chép nguyên văn theo giáo trình môn học. Nhiều trường hợp có xu hướng nêu sơ lượt nội dung môn học, bạn nên dẫn chứng cụ thể thái độ và nỗ lực của bản thân đối với môn học.
– Nên đề cập đến sự liên quan giữa môn học sở trường và ngành nghề trong tương lai để thể hiện đã định hình và quan tâm đến công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thể hiện tinh thần nghiêm túc và có kế hoạch của bản thân.
– Nên lưu giữ các tư liệu quan trọng liên quan đến môn học để trích dẫn dẫn chứng, hoặc ôn tập, để có thể chuẩn bị chu đáo hơn cho phần phỏng vấn. 

3. Các ví dụ cụ thể

  Cùng tham khảo các mẫu ví dụ về môn học sở trường sau đây nhé!

Ví dụ 1Môn học sở trường là môn Thể dục

 Cách viết mẫu:
– Môn học sở trường là môn Thể dục
– Quan sát học hỏi từ hành động thể thao của người khác, tạo thành kinh nghiệm cho bản thân
– Liên hệ với tính cách chủ động trong công việc.

例文:
「私の得意科目は体育です。授業中にそのスポーツが得意な人の行動パターンや、体の使い方を観察して、自分に取り入れることをよくします。そのような観察力と行動力が私の長所でもあります。」

Ví dụ 2Môn học sở trường là Toán học
Cách viết mẫu:
 – Môn học sở trường là Toán học
 – Tìm hiểu và áp dụng công thức
 – Hình thành tính cẩn thận, nguyên tắc trong công việc.

例文:
「私の得意科目は数学です。公式が特に好きで、その公式が成立する理由を理解することが楽しいです。数学の問題を解くこと以上に、公式を正しく読むこと、特に自分の中で出したその公式の意味が実際に合っているときに数学の面白さを感じます。数学を通して身についた几帳面さと正確性は職場でも発揮できると思います。」

Ví dụ 3: Môn học sở trường là Văn học
Cách viết mẫu:
– Môn học sở trường là Văn học.
– Khả năng đọc hiểu, quan sát.
– Khả năng chuẩn bị văn bản, tư liệu trong công việc.

例文:
「私の得意科目は国語です。特に読む力に自信がありす。多くの文章の読解を通し、読む力だけでなく、日常的に目にする物事の背景やその先のことを考える姿勢も身に付きました。職場でも、依頼された仕事の背景やそれを次に回す人のことを考え、取り組む所存です。

  Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến từ bạn bè, các thầy cô có chuyên môn để được góp ý, sửa lỗi, hoặc có thể sử dụng các dịch vụ hỗ trợ check hồ sơ để được xem xét, kiểm tra hồ sơ xin việc một cách tỉ mỉ và hoàn chỉnh nhất.  

4. Tổng kết

  Xin việc ở Nhật là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt tri thức, thể lực và tinh thần, đặc biệt là giai đoạn viết hồ sơ xin việc. Bởi có thể nói, nếu xin việc là cuộc thương thảo giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, thì hồ sơ xin việc chính là đại diện thương hiệu của ứng viên đó. Rất nhiều nhà tuyển dụng dựa vào việc xét chọn hồ sơ (書類選考)để quyết định cho ứng viên bước tiếp vào phần tiếp theo hay không. Chính vì thế, nội dung hồ sơ xin việc và đặc biệt là chủ đề môn học sở trường là cách để ứng viên tự thể hiện, quảng bá bản thân với nhà tuyển dụng.

  Hi vọng chia sẻ về cách viết cho chủ đề môn học sở trường của Tomoni hôm nay đã giúp các bạn ứng viên phần nào hiểu thêm về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc theo đúng quy tắc của nhà tuyển dụng Nhật. Đừng quên MPKEN đã và đang triển khai các dịch vụ hỗ trợ kiểm duyệt hồ sơ và luyện phỏng vấn cho các ứng viên nhé. Thông tin chi tiết xem tại: http://bit.ly/VieclamMpken.

 (Trích nguồn: https://tomonivj.jp)

 

Bài cùng chuyên mục