SỰ KHÁC BIỆT TRONG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Ở VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Bảo hiểm xã hội là một phần quen thuộc trong các chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia, có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, đây là chính sách lớn với nhiều quy định phức tạp nên có thể nhiều lúc chúng ta không thể hiểu cặn kẽ các nội dung trong chính sách này. Thêm vào đó, với những người Việt Nam đang sống và làm việc tại Nhật Bản, cần hiểu được rõ sự khác biệt trong chính sách của từng quốc gia để có thể nắm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình, tránh được những phiền hà không đáng có do không nắm được thông tin về luật của đất nước đó.
Về cơ bản, chế độ bảo hiểm xã hội ở Nhật Bản và Việt Nam đều nhằm mục đích bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, luật của Nhật Bản có quy định khá khác nhau về một số nội dung cơ bản như sau:

1. Khác biệt trong đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 

 – Bảo hiểm xã hội bắt buộc được hiểu nôm na là chế độ bảo hiểm mà người sống tại đất nước đó cần tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Theo Điều ​​2 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 của Việt Nam, các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

 Trong khi đó, luật của Nhật Bản quy định rộng hơn về các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như tổng hợp ở bảng dưới đây:

- Theo đó, có thể chia ra thành 2 nhóm chế độ bảo hiểm xã hội chính:
Bảo hiểm xã hội quốc dân bao gồm bảo hiểm sức khoẻ quốc dân (kokumin-kenko-hoken) và bảo hiểm hưu trí quốc dân) (kokumin-nenkin)
Theo quy định, toàn bộ người dân sinh sống ở Nhật Bản đều có nghĩa vụ phải tham gia bảo hiểm sức khỏe quốc dân tại địa phương mình sinh sống. Với tất cả những người từ 20 ~ 60 tuổi phải tham gia thêm bảo hiểm hưu trí quốc dân.
Bảo hiểm xã hội dành cho người lao động làm việc tại các công ty, tổ chức theo hợp đồng lao động chính thức. Chế độ bảo hiểm này thông thường bao gồm các mục bảo hiểm như: Bảo hiểm sức khỏe (và bảo hiểm kaigo), bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an toàn lao động.
Như vậy có thể thấy, đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội ở Nhật là rộng hơn so với quy định ở Việt Nam. Ví dụ như những nhóm đối tượng như dưới đây đều thuộc nhóm bắt buộc phải tham gia bảo hiểm sức khỏe quốc dân theo quy định của Nhật Bản.
- Người kinh doanh tự do, làm nông nghiệp
- Người thất nghiệp, người đang sống dựa vào lương hưu
- Những người vừa tách khỏi chế độ phụ thuộc của những người đang đi làm ở công ty
- Tất cả những người nước ngoài sinh sống tại địa phương từ 3 tháng trở lên
Tương tự như vậy, dù bạn có đang là du học sinh hay người không đi làm, bạn vẫn phải tham gia bảo hiểm hưu trí khi sinh sống ở Nhật nếu bạn đang ở trong độ tuổi từ 20 ~ 60 tuổi.

2. Khác biệt trong cách tính thu nhập để đóng bảo hiểm xã hội

 Ở Việt Nam, mức đóng bảo hiểm xã hội có mức tối thiểu theo quy định từng vùng/miền, ngành nghề và điều kiện làm việc như sau:

Chính phủ cũng có quy định mức lương được đóng bảo hiểm tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.   Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy vào thời điểm năm 2021, mức lương tháng cao nhất để tính mức đóng BHXH bắt buộc = 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó ở Nhật, mức lương đóng bảo hiểm chính là mức lương và phụ cấp người lao động nhận được theo tháng, dựa trên hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp, có điều chỉnh dựa trên độ tuổi (trên hay dưới 40 tuổi để tính thêm bảo hiểm kaigo) hay địa phương sinh sống.
Như vậy có thể thấy, ở Việt Nam, mức đóng bảo hiểm có thể dao động giữa mức tối thiểu và tối đa theo quy định. Trong khi đó, ở Nhật sẽ phải đóng trên khoản lương và thu nhập người lao động thực tế nhận được.

3. Khác biệt trong cách đóng bảo hiểm xã hội

 Một điều khác biệt nữa trong chính sách bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là tỉ lệ phân chia giữa doanh nghiệp và người lao động trong khoản đóng bảo hiểm xã hội.

 Ở Việt Nam, doanh nghiệp thường đóng nhiều hơn người lao động trong số tiền phải đóng (theo số liệu hiện tại là gấp đôi). Xem bảng tổng hợp dưới đây để có thông tin chi tiết.

 Trong khi đó ở Nhật, doanh nghiệp và người lao động thường cùng chia nhau 50:50 trên số tiền bảo hiểm xã hội phải đóng.
Ví dụ như đối với khoản bảo hiểm xã hội, tuỳ theo từng địa phương mà mức phí bảo hiểm dao động từ 9~10% tổng lương và phụ cấp của người lao động trong tháng. Trong đó người lao động trả 50% của khoản đó, và doanh nghiệp trả 50% còn lại. Tương tự như vậy, theo quy định của pháp luật Nhật Bản, mức nenkin phải đóng là 18.3% lương và phụ cấp, trong đó người lao động chịu 9.15% và doanh nghiệp chịu 9.15% còn lại.

Như TOMONI đã giới thiệu ở một bài viết khác, cách tính bảo hiểm và nenkin của Nhật khá phức tạp, các bạn có thể theo dõi thêm ở bài viết dưới đây:
https://tomonivj.jp/gioi-thieu-trang-web-ho-tro-tinh-thue-bao-hiem-va-luong-thuc-nhan/

 

4. Kết luận

 Trên đây chỉ là một vài đặc điểm khác biệt trong quy định của Nhật Bản và Việt Nam về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Những sự khác biệt này đôi khi có thể dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng, không đáng có giữa người lao động Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.
TOMONI hy vọng qua một số thông tin phân tích như ở trên, các bạn sẽ có thêm hiểu biết về chế độ chính sách của từng quốc gia, từ đó tìm hiểu thêm nhiều quy định và luật/chính sách của Nhật Bản để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc tại đây.

Đừng quên Tomoni cũng đã và đang triển khai các dịch vụ hỗ trợ kiểm duyệt hồ sơ và luyện phỏng vấn xin việc cho các ứng viên nhé. Thông tin chi tiết xem tại: http://bit.ly/VieclamMpken.

Bài cùng chuyên mục