HÀNH TRÌNH TÌM VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NHẬT BẢN

Hành trình tìm việc làm của sinh viên Nhật Bản

Bạn đang là du học sinh tại Nhật Bản và sắp bước vào con đường tìm kiếm việc làm? Hãy cùng Kilala tham khảo cẩm nang xin việc của các bạn sinh viên Nhật Bản để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bạn nhé.

Xin chào các bạn. Tụi mình là Ayu, Keina, Yuri và Maki, hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Nữ sinh Showa. Tụi mình đã học tiếng Việt được khoảng 3 năm rồi. Mùa xuân này, cả nhóm sẽ trở thành sinh viên năm cuối nên hiện tại tụi mình đang bắt đầu hành trình đi tìm việc làm mà trong tiếng Nhật gọi là “Shushoku katsudo – 就職活動”. Chắc hẳn không chỉ có các bạn du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản mà cả những bạn đang dự tính làm việc tại Nhật đều rất quan tâm đến tình hình mùa tuyển dụng tại Nhật Bản, cũng như cách sinh viên Nhật tìm việc như thế nào phải không? Vì vậy, trong bài viết này, tụi mình sẽ giới thiệu đến các bạn độc giả của Kilala những thông tin về hành trình tìm việc làm của sinh viên Nhật nhé. Hi vọng các bạn sẽ “giắt túi” được các kinh nghiệm hay ho cho riêng mình.

Lịch trình trong mùa tuyển dụng ở Nhật Bản

Theo quy định tuyển dụng của chính phủ Nhật Bản, mùa tuyển dụng của sinh viên Nhật Bản thường bắt đầu từ tháng 4 của năm học thứ 3(*). Như các bạn đã biết, ở Nhật Bản năm học bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau. Dưới đây là ví dụ về lịch trình tìm việc thường thấy của các sinh viên Nhật Bản có dự định đi làm vào tháng 4 năm 2021.

(*)Tuy nhiên, không có qui tắc xử phạt đối với các công ty không làm theo quy định này và kế hoạch hoạt động tuyển dụng của các công ty được xem xét mỗi năm.

Từ tháng 4 (năm thứ 3) đến tháng 2 (năm thứ 3), các sinh viên Nhật sẽ bắt đầu những hoạt động như phân tích bản thân, chuẩn bị viết phần PR bản thân, học thêm về các ngành kinh doanh và các công ty,... Đây đều là những công đoạn chuẩn bị cần thiết đối với các bạn trong mùa tuyển dụng. 

Trong đó, từ tháng 6 của năm thứ 3, các bạn nên bắt đầu gặp gỡ OB và OG – thuật ngữ dùng để gọi những cựu sinh viên đã ra trường và đang làm việc tại công ty mà các bạn muốn tìm hiểu – sau đó là đi thực tập để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp cũng như nội dung công việc ở các công ty đó.

Thông thường, các công ty sẽ công bố thông tin tuyển dụng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp vào tháng 3 hằng năm. Tức là cuối năm thứ ba thì đã biết được thông tin tuyển dụng dành cho khóa mình, và từ thời điểm đó các bạn sinh viên sẽ đến tận công ty mình đang nhắm đến để tham gia vào buổi giới thiệu công ty, nộp hồ sơ và đợi gọi phỏng vấn. Do đó, trước khi tốt nghiệp, hầu hết các sinh viên đều đã tìm việc xong xuôi.

Đây là ví dụ sơ lược về lịch trình trong mùa tuyển dụng. Tùy từng người mà cách thức tiến hành sẽ khác nhau, nhưng điểm chung là các bạn cần phải có chiến lược và kế hoạch “săn việc” rõ ràng cho đến khi nhận được Thư mời làm việc. 

Cần lên kế hoạch cụ thể cho mùa tuyển dụng. Ảnh: PIXTA. 

5 điều cần chuẩn bị khi tìm việc tại Nhật Bản

Để thực sự tìm được định hướng nghề nghiệp cho bản thân, cũng như có được một công việc phù hợp, bạn cần chuẩn bị 5 điều sau đây:

1) Phân tích bản thân

Người ta hay nói rằng cần phải kiếm được một công việc phù hợp với năng khiếu của mình. Để làm được điều đó, bạn hãy viết ra chi tiết những trải nghiệm bạn đã có ở trường đại học, những gì bạn đã tiếp thu được, phân tích những điểm mạnh của mình và từ đó có thể áp dụng những gì trong công việc. Hiểu được sở trường cũng như sở đoản của bản thân sẽ giúp bạn định hướng công việc tốt hơn.

2) Phân tích ngành nghề phù hợp 

Tiếp theo sẽ là phân tích ngành nghề phù hợp và tìm hiểu những dịch vụ, mặt hàng và khách hàng của các ngành kinh doanh. Tốc độ phát triển của các ngành kinh doanh luôn thay đổi theo thời đại. Dựa trên những thông tin thu được thông qua việc tự phân tích, bạn sẽ có thể đã thu hẹp các lĩnh vực ngành nghề mà mình quan tâm. 

3) Phân tích công ty

Sau khi quyết định ngành nghề phù hợp, bạn hãy tìm kiếm một công ty trong ngành đó. Có rất nhiều công ty trong một ngành nên thật khó để chọn lựa. Vì vậy, hãy viết thông tin về các công ty ra giấy để so sánh. Ví dụ như tiêu chí, phương châm hoạt động và lựa chọn công ty dựa trên các mục này. Ngoài ra, nếu bạn là nữ giới cũng nên xem xét đến môi trường làm việc có thoải mái đối với phụ nữ hay không. Sau đó, hãy nhìn vào điều kiện ứng viên mà công ty đang tìm kiếm. Nếu thấy phù hợp với bạn, hãy mạnh dạn ứng tuyển nhé. Tuy nhiên, cần thận trọng không va phải các công ty “đen” (ブラック企業) - thuật ngữ chỉ những công ty có chế độ bóc lột nhân viên như làm thêm quá nhiều nhưng không trả lương tăng ca, điều kiện làm việc khắc nghiệt hay bị chèn ép, quấy rối tình dục… 

Hãy cẩn trọng với các công ty "đen". Ảnh: PIXTA. 

4) Trao đổi với OB/OG

Đây là một trong những bước quan trọng trong quá trình tìm việc. Thay vì chỉ tìm kiếm thông tin qua mạng, bạn có thể trực tiếp gặp gỡ các anh chị khóa trên đã tốt nghiệp và hiện đang làm việc tại công ty mình nhắm đến để tham khảo ý kiến thêm từ các OB/OG này. Qua các cuộc trao đổi này, bạn có thể biết thêm về văn hóa làm việc tại công ty đó cũng như chi tiết công việc để có thêm dữ liệu quyết định.

Trao đổi với các OB/OG để hiểu thêm về công ty. Ảnh: kurihaku.jp. 

5) Luyện thi SPI

Đây là một bài kiểm tra viết được gọi là "Bài kiểm tra mức độ thích hợp" nhằm mục đích tìm hiểu khả năng và tính cách của ứng viên. Bài thi sẽ gồm môn toán và quốc ngữ có cấp độ tương đương từ cấp 2 đến cấp 3.

Quá trình thực tập và lựa chọn nhân viên của các công ty Nhật

Tiếp theo, tụi mình sẽ giới thiệu quá trình thực tập và lựa chọn nhân viên trên thực tế của các công ty Nhật Bản.

Thực tập 

Nhân viên thực tập có thể trải nghiệm công việc của công ty. Các bạn tham gia làm việc với tư cách nhân viên thực tập để xác định xem công việc có phù hợp với mình không, tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như đọc vị” văn hóa văn phòng và nhân viên ở công ty đó. Chương trình thực tập có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tháng. Lợi ích của việc tham gia chương trình thực tập là bạn sẽ được ưu tiên khi ứng tuyển hoặc có khi được chọn tuyển dụng ngay nếu ưu tú. Nội dung thực tập cũng sẽ tùy vào từng công ty, có nơi yêu cầu  bạn thử lập kế hoạch về dự án mới, có nơi lại yêu cầu các thực tập sinh thảo luận với nhau để giải quyết một vấn đề nào đó. 

Thực tập mang đến cho bạn nhiều lợi ích. Ảnh: PIXTA. 

Tuyển chọn 

Các ứng viên sẽ được đánh giá theo từng giai đoạn trong quá trình tuyển chọn, bao gồm kiểm tra hồ sơ sau đó là phỏng vấn. 

Để ứng tuyển, đầu tiên các bạn cần gửi sơ yếu lý lịch và đơn ứng tuyển cho công ty. Sơ yếu lý lịch là một tài liệu mô tả lý lịch của các bạn và đơn ứng tuyển là tài liệu mô tả lý do các bạn muốn làm việc cho công ty và PR bản thân. Nếu các bạn vượt qua vòng này, bạn sẽ được phỏng vấn trực tiếp. 

Nhiều công ty có các cuộc thảo luận và phỏng vấn với nhiều ứng viên cùng lúc, và dựa trên cách đối ứng của các ứng viên để quyết định tuyển chọn. Nếu các bạn vượt qua kỳ kiểm tra này, bạn sẽ có một cuộc phỏng vấn cá nhân trực tiếp với người tuyển dụng và sẽ được biết kết quả. Trong những cuộc phỏng vấn này, các bạn phải chứng tỏ rằng mình có thể mang lại lợi ích cho công ty nếu trở thành nhân sự của công ty. 

Phỏng vấn nhóm là hình thức được nhiều công ty ưa chuộng. Ảnh: PIXTA. 

Kết

Các bạn thấy như thế nào? Mùa tuyển dụng ở Nhật khác với ở Việt Nam nhiều lắm phải không? Trong mùa tuyển dụng, ai cũng cảm thấy vất vả vì để nhận được giấy mời vào làm tại công ty, các bạn phải đi một quãng đường rất dài và khốc liệt, đặc biệt là phải đối diện với chính mình dù muốn hay không. Nhưng, mùa tuyển dụng này sẽ mang ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của các bạn về sau. Vì thế, dù tìm việc làm rất vất vả nhưng hoạt động này sẽ là một hoạt động rất quan trọng đối với các bạn sinh viên. Tụi mình nghĩ rằng không có bất kỳ phương pháp nào “bách trúng bách thắng” để bạn có thể tìm được công việc ưng ý cả. Điều quan trọng là hãy tin vào bản thân và cố gắng hết sức mình cho đến khi nhận được thông báo trúng tuyển bạn nhé. Chúc các bạn một mùa “săn việc” thành công nha!

Nguồn: kilala

Bài cùng chuyên mục