Thủ tục chuyển đổi VISA Nhật Bản

Tháng 7 năm 2013, chính phủ Nhật đã ra chính sách công dân Việt Nam được miễn xin lại thị thực (Visa) khi tái nhập cảnh vào nước này nếu thị thực vẫn còn trong thời hạn. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong cùng khu vực (công dân Thái Lan, Malaysia sẽ được miễn thị thực hoàn toàn), Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước khó xin Visa nhập cảnh vào Nhật Bản.

Khái quát về Visa Nhật Bản

Tại Nhật Bản hiện có khoảng 20 loại thị thực. Bên cạnh Visa du học và Visa thực tập sinh còn có các loại Visa khác như:

  •  Visa kết hôn và lưu trú dài hạn: dành cho các đối tượng kết hôn với người Nhật hoặc có chồng/vợ là người Việt Nam (hoặc người nước ngoài) đang định cư hoặc lưu trú dài hạn tại Nhật Bản.
  •  Visa dành cho các cá nhân có kỹ năng hoặc chuyên môn đặc biệt như giáo sư, tuyển thủ thể thao, nghệ sỹ,...

Tùy vào quốc gia mà thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh Nhật Bản sẽ đơn giản hoặc phức tạp. Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước khó xin Visa Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 2013, các thủ tục này đã bắt đầu có những bước nới lỏng.

※Xem chi tiết các loại Visa tại www.moj.go.jp

Các loại Visa thông dụng và thủ tục chuyển đổi Visa Nhật Bản

1) Visa du học: Trường tiếng Nhật

  •  Cần cân nhắc khi chuyển trường hoặc đổi Visa!
  •  Thời hạn hiệu lực: tối đa 2 năm

Đối tượng và đặc điểm chương trình:
  •  Du học sinh có trình độ tiếng Nhật sơ cấp (tương đương N5 - N3)
  •  Ngoài khóa học tiếng thông thường, bạn có thể chọn các khóa học khác như “Khóa tiếng Nhật dành cho các bạn muốn thi vào đại học”, “Tiếng Nhật thương mại” hay “Tác phong văn phòng”.
  •  Visa du học cho phép du học sinh làm thêm tối đa 28 giờ/tuần, tuy nhiên cần phải có giấy phép lao động của Cục Xuất nhập cảnh.

Nếu bạn có nguyện vọng:

(1) Muốn chuyển sang trường tiếng Nhật khác trong khi vẫn ở Nhật Bản.
(2) Ngừng việc học ở trường hiện tại và trở về Việt Nam. Sau đó sang Nhật và nhập học vào một trường tiếng Nhật khác.

Cần lưu ý những điều sau đây:
  •  Visa du học chỉ có thời hạn tối đa là 2 năm, do đó, nếu bạn đã học tại trường đầu tiên khoảng thời gian là 1 năm 6 tháng, thì bạn chỉ còn tối đa 6 tháng để học ở trường thứ hai.
  •  Ở trường hợp (1), bạn cần bổ sung giấy phép đồng ý chuyển trường của hiệu trưởng trường hiện tại và giấy phép chấp nhận học của hiệu trưởng trường thứ 2 kèm với bảng thành tích học tập trong thời gian vừa qua. 
  •  Ở trường hợp (2), bạn cần chuẩn bị tất cả các giấy tờ cần thiết và thực hiện lại các bước xin Visa du học như ban đầu. Tuy nhiên, có rất ít hồ sơ được chấp thuận cấp Visa trong trường hợp này.
  •  Do thời gian có thể du học còn lại không nhiều nên đa số các trường tiếng Nhật sẽ không chấp nhận học sinh chuyển trường. Trong trường hợp này, ở lại Việt Nam và học tiếp lên trình độ N2 trở lên để nộp đơn xin nhập học vào trường nghề, trường chuyên môn hoặc đại học ở Nhật cũng là một trong những lựa chọn hợp lý.
  •  Nếu bạn quyết định chuyển trường, đổi Visa hoặc về nước trong khi khóa học tại trường tiếng Nhật chưa kết thúc thì bạn vẫn sẽ phải đóng hết các khoản tiền như học phí,... Do chắc chắn sẽ không được hoàn lại tiền nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ càng trước khi đưa ra các quyết định trên.

2) Visa du học: Trường chuyên môn, Đại học hoặc Đại học ngắn hạn

Thời hạn hiệu lực: tương ứng với thời gian học (từ 2 đến 4 năm)

Đối tượng và đặc điểm chương trình:

  •  Những bạn đã tốt nghiệp trường tiếng, trình độ tiếng Nhật tương đương từ N2 trở lên.
  •  Các tiết học hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Các bạn sẽ học chung với sinh viên người Nhật và sinh viên nước ngoài.
  •  Visa du học cho phép du học sinh làm thêm tối đa 28 giờ/tuần, tuy nhiên cần phải có giấy phép lao động của Cục xuất nhập cảnh.
  •  Đối với những trường hợp học tiếp lên trường chuyên môn, Đại học hoặc Đại học ngắn hạn sau khi đã tốt nghiệp trường tiếng tại Nhật Bản: sau khi trúng tuyển, các cơ sở giáo dục này sẽ tiến hành các thủ tục chuyển Visa cho bạn từ   •  Visa du học (1) sang Visa du học (2). Điều quan trọng là bạn đã chuẩn bị sẵn đầy đủ các giấy tờ cần thiết hay chưa. Nếu có thể nhờ người thân gửi giấy tờ sang Nhật để bổ sung, bạn sẽ không cần phải về nước.

3) Visa thực tập sinh: Tu nghiệp sinh và nghiên cứu sinh

  •  Nếu bạn dự định sẽ đi du học Nhật trong tương lai, cần cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn tham gia chương trình thực tập sinh!
  •  Thời hạn hiệu lực: 1 năm hoặc 3 năm

Đối tượng và đặc điểm chương trình:

  •  Đây là chương trình đào tạo kỹ thuật có phát lương.
  •  Bạn không thể đổi sang Visa khác trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản.
  •  Sau khi tham gia chương trình và trở về Việt Nam, nếu có nguyện vọng quay trở lại Nhật Bản để du học, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
  •  Thủ tục xin Visa lúc này sẽ khắt khe hơn những trường hợp khác. 
  •  Tuổi càng cao càng khó xin Visa.
  •  Những bạn đã tham gia chương trình thực tập sinh 1 năm sẽ dễ xin Visa hơn những bạn tham gia chương trình 3 năm.
  •  Sau khi về nước, nếu thời gian bạn làm việc trong những ngành nghề có liên quan đến ngành nghề đã được đào tạo tại Nhật Bản từ 1 năm trở lên, cơ hội đậu Visa sẽ cao hơn.
  •  Nếu bạn có năng lực tiếng Nhật tương đương N3 trở lên và có trình độ học vấn cao, cơ hội đậu Visa cũng sẽ cao hơn.

※ Chương trình ESA

Đây là chương trình đào tạo có lương dành riêng cho ngành điều dưỡng và y tá. Sau khóa học kéo dài từ 3 đến 4 năm, nếu bạn đậu kì thi cấp chứng chỉ thì có thể ở lại Nhật Bản làm việc.

4) Visa lao động

  •  Đây là loại Visa mà hầu như tất cả các bạn du học sinh đều muốn có!
  •  Thời hạn hiệu lực: từ 1 - 5 năm cho lần cấp đầu tiên, nếu lưu trú thêm sẽ phải xin gia hạn

Đối tượng và đặc điểm chương trình:

  •  Du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường chuyên môn, Đại học hoặc Đại học ngắn hạn tại Nhật Bản và các cá nhân có nguyện vọng làm việc tại Nhật Bản.
  •  Đối với du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường chuyên môn, Đại học hoặc Đại học ngắn hạn tại Nhật Bản: sau khi phỏng vấn và trúng tuyển vào các công ty Nhật, các công ty này sẽ giúp bạn tiến hành các thủ tục chuyển đổi Visa từ diện du học sang lao động.

5) Visa ngắn hạn: du lịch, thăm người thân

  •  Từ năm 2014, thủ tục xin Visa Nhật Bản ngắn hạn đã trở nên đơn giản hơn!
  •  Thời hạn hiệu lực: 15, 30 hoặc 90 ngày

Lưu ý:

  •  Không thể chuyển đổi sang loại Visa khác.
  •  Trong trường hợp ở lại Nhật Bản quá thời gian hiệu lực của Visa, cần về Việt Nam để làm thủ tục xin cấp Visa mới.
  •  Trong trường hợp du lịch cá nhân, cần có giấy mời của người thân hoặc công ty tại Nhật Bản.
  •  Người được cấp Visa ngắn hạn không được quyền lao động (dù là làm thêm) tại Nhật Bản

(Trích nguồn: kilala.vn)

Bài cùng chuyên mục