Trung tâm "zero-waste" được xây dựng từ 100% rác thải

Giữa đại dịch COVID-19, một cơ sở có tên là Kamikatsu Zero Waste đã được khánh thành, nổi bật giữa núi rừng xanh ngắt của thị trấn Kamikatsu. Điều đặc biệt là từ 700 cửa sổ bỏ đi, người ta đã “chắp vá” một cách tài tình để tạo nên công trình kiến trúc đậm chất nghệ thuật, trở thành “trái tim” mới của cộng đồng dân cư nơi đây. 

Trung tâm Kamikatsu Zero Wastetọa lạc tại vị trí trước đây là một lán trại, nơi dùng để phân loại rác. Hiroshi Nakamura, kiến trúc sư (KTS) trưởng của công trình, người sáng lập công ty kiến trúc NAP Architectural Consulting cho biết, trung tâm mới được xây dựng nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng của Kamikatsu: trở thành thị trấn 100% không rác thải.

Trung tâm Kamikatsu Zero Waste. Ảnh: Koji Fujii

Trung tâm Kamikatsu Zero Waste nằm ở thị trấn miền núi xa xôi Kamikatsu, thuộc tỉnh Tokushima, miền Nam Nhật Bản và được khánh thành vào năm 2020. Với kiến trúc độc đáo, công trình đã giành được giải thưởng danh giá của Viện Kiến trúc Nhật Bản vào năm ngoái.

KTS Nakamura chia sẻ: “Chúng tôi muốn biến trung tâm trở thành một nơi mà cư dân có thể tự hào”.

Được xây dựng bằng ký ức 

KTS Nakamura cùng đội của ông đã bắt đầu thiết kế trung tâm Kamikatsu Zero Waste vào tháng 04/2016, với sự cố vấn của cư dân thị trấn.

Các KTS sử dụng chủ yếu vật liệu địa phương và vật liệu tái chế, gỗ tuyết tùng từ những khu rừng xung quanh thị trấn để tạo nên bộ khung và kết cấu bổ trợ của tòa nhà. 

Trung tâm được xây dựng từ 700 cửa sổ cũ quyên góp bởi cư dân của thị trấn. Ảnh: zenbird.media

Kamikatsu đã có một ngành công nghiệp gỗ phát triển mạnh mẽ cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, khi gỗ giá rẻ từ nước ngoài tràn lan trên thị trường khiến ngành công nghiệp gỗ nơi đây rơi vào suy thoái. 

Theo KTS Nakamura, việc sử dụng vật liệu địa phương giúp giảm nhiên liệu khi vận chuyển, đóng gói, cũng như giúp kết nối với ngành công nghiệp gỗ từng là trọng điểm trong lịch sử của thị trấn. Đặc biệt, gỗ được giữ ở dạng thô, tròn thay vì xẻ thành thanh hoặc ván vuông nhằm giảm thiểu tối đa gỗ thừa bỏ đi. 

KTS Hiroshi Nakamura (bên trái) và Giám đốc NAP Masaki Hirakawa (bên phải). Ảnh: stirworld.com

Với kết cấu còn lại và đồ nội thất của trung tâm, hầu hết mọi thứ đều được tái chế. KTS Nakamura bộc bạch: “Việc tạo ra một công trình hoàn toàn từ rác không phải là điều dễ dàng. Chúng tôi thường phải thiết kế trước, sau đó đưa vào các vật liệu có sẵn phù hợp với thiết kế”.

Quá trình thiết kế trung tâm mất hơn 2 năm và việc tìm nguồn cung ứng, lắp ráp chúng lại với nhau cũng tương tự như trò chơi xếp hình. 

Thủy tinh vỡ và đồ gốm dùng để làm sàn nhà và chai thủy tinh trở thành đèn trần. Ảnh: Koji Fujii

Một số hạng mục của công trình, bao gồm vật liệu làm mái nhà, kim loại để chống thấm, bu lông, ốc vít cho các mối nối, các thiết bị như điều hòa không khí, cống thoát nước đều phải là đồ mới để tuân thủ các quy tắc trong xây dựng cũng như tiêu chuẩn về an toàn. 

Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng nhiều vật liệu, thiết bị mới trong xây dựng vẫn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời, ông Nakamura cũng ước tính rằng chi phí công trình sẽ tăng gấp đôi nếu họ không sử dụng vật liệu tái chế. 

Đặc biệt, KTS Nakamura chia sẻ thêm rằng đội thiết kế và thi công công trình cũng rất tháo vát. Họ đã yêu cầu các nhà sản xuất địa phương cung cấp vật liệu thừa hoặc không đáp ứng quy chuẩn mà bình thường sẽ bị loại bỏ đi, chẳng hạn như gạch lỗi. 

Giỏ nhựa được tái sử dụng làm kệ sách. Ảnh: Koji Fujii

Nhóm của KTS Nakamura cũng sử dụng phương pháp “kiến trúc hợp tác” trong việc xây dựng nên trung tâm. Thông thường, phương pháp này bao gồm việc thảo luận với cư dân của thị trấn để biết được họ muốn hoặc cần gì. Tuy nhiên, Nakamura bật mí rằng trung tâm Kamikatsu Zero Waste đã đưa khái niệm trên tiến thêm một bước nữa, bởi công trình này còn được xây dựng bằng vật liệu do chính 1.453 cư dân ở đây quyên góp. 

Đồ thủy tinh vỡ, đồ gốm biến thành sàn Terrazzo, giỏ nhựa từ một trang trại nấm đông cô địa phương biến thành kệ sách và một chiếc gường không sử dụng từ viện dưỡng lão trở thành chiếc ghế sofa. 

Các cửa sổ cũ được tái sử dụng ở trung tâm Kamikatsu Zero Waste. Ảnh: Koji Fujii

Cư dân địa phương đã thu thập các cửa sổ cũ, một số lấy từ các tòa nhà bỏ hoang để tạo nên phần mặt tiền vô cùng ấn tượng của tòa nhà. KTS Nakamura cho biết: “Bản thân công trình kiến trúc được tạo ra từ những kỷ niệm của cư dân, do vậy, họ có sự gắn bó đặc biệt với trung tâm này”. 

Sinh ra từ một thị trấn 100% không rác thải 

Thị trấn Kamikatsu nằm trên hòn đảo Shikoku, được bao quanh bởi thiên nhiên trù phú. Momona Otsuka, Trưởng ban môi trường của trung tâm Kamikatsu Zero Waste vừa chuyển đến sống tại thị trấn vào năm 2020 cho biết, vị trí cách biệt của thị trấn - cách thành phố gần nhất khoảng một giờ lái xe - buộc Kamikatsu luôn phải quản lý rác theo cách riêng của họ và có một nền văn hóa tái chế rác mạnh mẽ.

Vào năm 2003, Kamikatsu đã tuyên bố mục tiêu trở thành thị trấn không rác thải với 100% rác được tái chế và tái sử dụng vào năm 2020

Gỗ xây dựng trung tâm được thu thập từ các khu rừng gần thị trấn. Ảnh: stirworld.com

Cô Otsuka chia sẻ rằng mục tiêu trên quả thật là thử thách bởi “Một số loại rác thải, chẳng hạn như tã, túi giữ nhiệt dùng một lần cực kỳ khó tái chế và tốn kém. Trung tâm Kamikatsu Zero Waste được thiết kế để giải quyết vấn đề này”. 

Trung tâm được chia thành các khu vực giúp cho việc tái chế dễ dàng hơn, bao gồm: khu phân loại và thu gom rác; trung tâm tái chế; phòng giáo dục; cửa hàng quyên góp, nơi trưng bày các đồ dùng miễn phí chẳng hạn như quần áo, dĩa, sách, đồ điện tử cũ được quyên tặng và thu gom bởi cư dân thị trấn. Bất kỳ thứ gì không thể tái chế đều được thu gom và gửi đến lò đốt hoặc bãi rác ở thành phố gần thị trấn nhất, thành phố Tokushima. 

Hội trường cộng đồng ở trung tâm. Ảnh: stirworld.com

Điều đặc biệt là không chỉ đóng góp cho môi trường, trung tâm còn mang ý nghĩa lớn lao với cộng đồng địa phương. Cư dân thị trấn thường ghé đến trung tâm một hoặc hai lần/tuần. Việc kết hợp không gian công cộng vào thiết kế biến nơi đây trở thành một trung tâm cộng đồng được người dân yêu thích. 

Giúp người dân tái chế rác theo 45 loại 

Trung tâm Kamikatsu Zero Waste được thiết kế với hình dáng giống một dấu chấm hỏi, như lời nhắc nhở mọi người tự vấn về thói quen tiêu dùng của chính họ, với dấu chấm là khách sạn Hotel Why. 

Khách sạn Hotel Why tại trung tâm Kamikatsu Zero Waste. Ảnh: Koji Fujii

Giống như nhiều nơi tại Nhật Bản, dân số của thị trấn Kamikatsu đang già hóa và suy giảm với xu hướng người trẻ rời quê hương đến tìm việc tại các thị trấn hay thành phố lớn hơn. Do vậy, người dân nơi đây hy vọng rằng cách tiếp cận môi trường thân thiện của thị trấn sẽ giúp thu hút thêm nhiều cư dân mới tìm kiếm lối sống bền vững hơn, giống như cô Otsuka. 

Otsuka đã tìm thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp thông qua du lịch sinh thái, nhờ việc khai trương khách sạn Hotel Why tại trung tâm Kamikatsu Zero Waste vào tháng 05/2020. 

Cô cho biết việc trung tâm phủ sóng trên nhiều phương tiện truyền thông trở thành niềm tự hào cho cư dân địa phương, đồng thời giúp thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với thị trấn. Trong năm đầu tiên khánh thành – năm 2020, đã có 5.000 người ghé thăm thị trấn và 1.200 khách lưu trú tại khách sạn Hotel Why, mặc dù đang trong thời kỳ đại dịch COVID-19. 

Trung tâm Kamikatsu Zero Waste vào ban đêm. Ảnh: dezeen.com

Khi ngành du lịch được hồi phục, Otsuka hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều du khách đến để “trải nghiệm không rác thải theo cách tích cực” ở trung tâm tâm Kamikatsu Zero Waste. 

Việc xây dựng các công trình từ rác thải là điều hiếm thấy nhưng không phải là chưa từng xảy ra, bởi có khá nhiều KTS sáng tạo trên khắp thế giới đã thực hiện điều này. Tuy nhiên, điều đặc biệt nằm ở việc trung tâm Kamikatsu Zero Waste đã tái chế từ những điều nhỏ nhất. 

Những phát minh trong tương lai hoặc dân số suy giảm có thể đồng nghĩa với việc giảm lượng rác thải, và trung tâm này có nguy cơ trở nên thừa thãi. Dự báo điều này, KTS Nakamura đã thiết kế trung tâm sao cho nó dễ dàng thu nhỏ hay tháo rời toàn bộ và mang đi tái chế trong tương lai. 

Trung tâm tọa lạc giữa núi rừng hùng vĩ. Ảnh: stirworld.com

Ông Nakamura nói thêm: “Ý tưởng zero-waste không phải ở việc xử lý rác thải cuối cùng (chẳng hạn như loại bỏ rác bằng cách chôn lấp), mà chúng ta cần suy nghĩ về cách loại bỏ rác ngay từ ban đầu”. 

Việc thiết kế trung tâm Kamikatsu Zero Waste đã tạo động lực cho Nakamura tìm kiếm thêm các dự án kiến trúc “xanh hơn” và sáng tạo hơn trong chọn lựa nguồn vật liệu. Ông cũng hy vọng trung tâm sẽ truyền cảm hứng để những người khác suy ngẫm lại về rác thải. 

Nakamura bộc bạch: “Nhận thức và cách nghĩ của tôi về rác đã thay đổi 180 độ. Tôi đã học được tầm quan trọng của việc kiến tạo ra những thứ mới trong khi kế thừa các ký ức cũ”. 

Nguồn: Kilala.vn

Bài cùng chuyên mục