"Ginbura" - thuật ngữ ngay đến Bộ Ngoại giao Nhật cũng nhầm lẫn

Tại Nhật Bản, có một giả thuyết xuất hiện tràn lan trên internet và nhiều nơi khác, đó là từ “Ginbura” có nghĩa là “uống cà phê Brazil ở quận Ginza (khu phố mua sắm sầm uất ở Tokyo)". Thậm chí, ngay cả Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng giải thích Ginbura theo nghĩa trên tại website chính thức của mình. Tuy nhiên, một số chuyên gia ngôn ngữ lại không đồng ý với điều này. Vậy đâu mới là nghĩa chính xác của từ Ginbura? 

Chỉ cần gõ tìm ý nghĩa của từ "Ginbura" (銀ぶら) thì trên internet sẽ xuất hiện hàng loạt kết quả gồm các bài báo, bài đăng trên mạng xã hội đề cập đến giả thuyết “uống cà phê Brazil ở Ginza”.

Người Nhật băng qua đường ở quận Ginza, Tokyo vào tháng 11/1939. Ảnh: Mainichi 

Vào ngày 26/05/2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa giả thuyết "cà phê Brazil ở Ginza" vào một bài báo trên website của mình, khi muốn giới thiệu sức hấp dẫn của xứ sở Samba trước thềm World Cup diễn ra vào tháng 6/2014 tại đất nước này. Bài báo giải thích rằng nguồn gốc của từ Ginbura có nghĩa là “thưởng thức cà phê Brazil ở Ginza”. 

Bài báo trên website của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Ginbura có nghĩa là uống cà phê Brazil ở Ginza. Ảnh: Mainichi 

Công ty Cafe Paulista K.K., được thành lập từ quán cà phê Cafe Paulista ra đời tại quận Ginza vào năm 1911, cũng đã đăng tải giả thuyết này lên website chính thức. Cụ thể, họ giải thích lịch sử của quán như sau: “Có một giả thuyết là các sinh viên của Đại học Keio đã khiến từ Ginbura trở nên thời thượng theo nghĩa: đi từ khuôn viên Đại học Keio đến quán cà phê Cafe Paulista ở quận Ginza và trò chuyện về cà phê Brazil”.

Khác với các ý kiến trên, ấn bản lần thứ bảy của cuốn từ điển tiếng Nhật Kojien lại định nghĩa từ Ginbura là “đi dạo quanh Đại lộ Ginza, bên trong quận mua sắm và giải trí của Tokyo”. Sáu cuốn từ điển khác cũng giải thích từ này với ý nghĩa tương tự.

Thêm vào đó, ấn bản lần thứ hai của từ điển Nihon Kokugo Daijiten, được biên soạn lại từ một cuốn từ điển xuất bản vào năm 1918, nói về cách dùng lâu đời nhất của từ Ginbura cũng chỉ rõ: “Ginbura có nghĩa là dạo quanh quận Ginza”.

Ông Hiroaki Iima, một thành viên của nhóm biên tập viên từ điển Sanseido Kokugo Jiten. Ảnh: Mainichi 

Đặc biệt, ấn bản thứ tám của cuốn từ điển Sanseido Kokugo Jiten giải thích rất cụ thể ý nghĩa của từ Ginbura và giúp người đọc gạt bỏ hẳn giả thuyết liên quan đến uống cà phê Brazil ở Ginza. Cụ thể, Ginbura là viết tắt của “Ginza o burabura sanpo suru” (đi dạo loanh quanh Ginza), và đây là cách dùng lâu đời nhất của từ này.

Hiroaki Iima, 54 tuổi, biên tập viên của cuốn từ điển Sanseido Kokugo Jiten chia sẻ rằng ông đã rất ngạc nhiên khi đọc giả thuyết sai về Ginbura vào năm 2013, nên đã thêm ngay một câu vào ấn bản thứ bảy của từ điển để phủ nhận nó. Trong các bài luận và bài đăng trên mạng xã hội Twitter, ông đã nói rõ đó là thông tin sai, hoàn toàn vô căn cứ. 

Iima phân tích: “Có một số người không quan tâm đến ý nghĩa thật sự của từ Ginbura, nhưng tôi cảm thấy thật nguy hiểm khi mọi người ghi nhớ và truyền bá một giả thuyết mà họ chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm là đã biết nó không chính xác. Nếu sử dụng ý nghĩa sai với bạn bè thì vẫn chấp nhận được, nhưng các phương tiện truyền thông, tổ chức cộng đồng cần phải cẩn trọng”.

Được biết, giả thuyết về cà phê Brazil ở Ginza đã bắt đầu lan truyền từ những năm 90 bởi nhiều tờ báo, chương trình truyền hình và không có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này. 

Katsuhiko Hasegawa, 61 tuổi, Chủ tịch của công ty Nitto Coffee K.K nói với tờ Mainichi: “Với tư cách là một công ty, chúng tôi không có ý tuyên bố nguồn gốc của Ginbura là cà phê Brazil ở Ginza, mà thay vào đó, chúng tôi xem nó chỉ là một giả thuyết. Nếu nó không phù hợp, chúng tôi sẵn lòng chỉnh sửa lại đoạn mô tả trên website của mình”. 

Cafe Paulista đã xóa giả thuyết Ginbura nghĩa là uống cà phê Brazil ở Ginza ra khỏi phần lý giải ý nghĩa từ Ginbura trên website, sau cuộc phỏng vấn với báo Mainichi. Ảnh: Mainichi 

Sau đó, trên website của Cafe Paulista, giả thuyết sai đã được xóa và bây giờ chỉ còn lý giải nguồn gốc của từ Ginbura là “đi dạo quanh Đại lộ Ginza”. 

Một viên chức tại bộ phận Nam Mỹ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi sẽ xem xét lại vấn đề này trong tương lai vì điều quan trọng là cần đăng thông tin chính xác lên website của Bộ”.

Nguồn: Kilala.vn

Bài cùng chuyên mục