Bí quyết tiết kiệm của du học sinh tại Nhật Bản

Làm thế nào để không rơi vào tình trạng "rỗng túi" khi sinh sống và học tập ở đất nước có chi phí đắt đỏ như Nhật Bản? Những cách tiết kiệm chi phí sau của thế hệ du học sinh đi trước sẽ giúp các bạn mới sang rất nhiều trong những ngày đầu khi có cả học bổng lẫn việc làm thêm.

Tiết kiệm tiền thuê nhà

Tại Nhật, thuê nhà có giá đắt đỏ nhất trong các loại chi phí sinh hoạt mà du học sinh luôn quan tâm. Tùy thuộc vào từng khu vực sinh sống sẽ có mức chi phí khác nhau, ở Tokyo, tiền thuê nhà ở riêng vào khoảng 50.000 yên/tháng cho một căn phòng diện tích nhỏ, còn ở các khu vực lân cận thì mức giá sẽ còn 30.000 – 35.000 yên/tháng. Cũng ở Tokyo, ký túc xá có giá thuê khoảng 180.000 yên/3 tháng, chi phí đầu vào 50.000 yên/tháng, phí bảo hiểm 30.000 yên/tháng, chăn đệm mới (mỗi người 1 bộ) 10.000 yên; chưa kể tiền ăn, sinh hoạt phí và đi lại. Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Ngân đang sinh sống và học tập ở Chiba thì cho biết, du học sinh có thể thuê được những căn hộ chung cư với giá mềm hơn, khoảng 30.000 yên/tháng dành cho 3-4 người với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Khi mới sang Nhật anh Ngân chọn giải pháp ở ghép với các du học sinh đồng hương và cho rằng, đây là một giải pháp tiết kiệm chi phí thuê nhà hiệu quả nhất.

Ngày nay việc đăng ký ở ghép không còn quá khó. Bạn chỉ cần vào các diễn đàn hoặc mạng xã hội của nhóm du học sinh Việt Nam tại Nhật để tìm hiểu và đăng ký ở ghép.

Tuy nhiên có nhiều du học sinh chọn giải pháp thuê nhà xa trường học vì có giá rẻ hơn, nhưng sẽ phải dậy sớm và đi tàu điện xa hơn, đôi khi chi phí tàu điện cộng lại mỗi tháng cũng đắt hơn. Do đó, du học sinh nên chọn nơi ở sao cho hợp lý nhất với điều kiện học tập của mình.

Mua đồ dùng tiết kiệm

Khi bắt đầu đời sống du học sinh sẽ là lúc bạn phải chi trả rất nhiều những vật dụng cần thiết trong cuộc sống,… trong khi đó, vẫn chưa có việc làm thêm nên phải tính toán cẩn trọng các khoản chi tiêu, tránh bị thâm hụt ngân quỹ dự phòng. Do đó việc săn hàng giảm giá hoặc mua đồ cũ là một tuyệt chiêu tiết kiệm của đs số du học sinh. Các món đồ cũ và đồ giảm giá hiện được bày bán khắp nơi tại Nhật. Các mặt hàng bán tại chợ đồ cũ chủ yếu là quần áo, giày dép, sách, đồ gốm, mỹ phẩm, đồ điện tử… Ngoài ra còn có rất nhiều sản phẩm mới chưa qua sử dụng. Nơi tập trung bán đồ cũ thường là công viên, sân vận động hay những khu vực gần chùa, đền.

Bên cạnh đó, các đợt khuyến mãi diễn ra nhiều lần trong năm cũng là điểm thu hút du học sinh. Sau gần 4 năm sinh sống và học tập tại Nhật, du học sinh Hữu Ngân cho biết: Tháng 1 có mùa giảm giá đón năm mới; tháng 2 xả hàng đồ mùa đông; tháng 3 và tháng 4, tiếp tục học kỳ mới và đón chào đợt giảm giá New Life; tháng 7 đến tháng 8 là đợt giảm giá mùa hè; tháng 9 – sale hàng tồn mùa hè; tháng 11 là đợt giảm giá hàng mùa thu; tháng 12 – sale cho mùa đông và dịp cuối năm.

Tiết kiệm chi phí sinh hoạt, thực phẩm

Giá thực phẩm tại Nhật cũng rất đắt đỏ, nhiều du học sinh Việt Nam lần đầu đến Nhật thực sự sốc khi đi siêu thị mua thực phẩm. Để tiết kiệm chi phí mua thực phẩm, thức ăn, nhiều bạn chọn giải pháp đến siêu thị vào khung giờ giảm giá thực phẩm, giảm giá thức ăn nấu sẵn hoặc mua thực phẩm tại các cửa hàng bán đồ ăn nước ngoài - thường là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn siêu thị từ 20%-30%.

Bên cạnh đó, trong quá trình học tập ở Nhật, để giảm chi phí tiền điện, nước, gas,… nhiều du học sinh đi trước khuyên nên thường xuyên đến thư viện. Đây là địa điểm học tập lý tưởng vừa tiết kiệm chi phí thắp sáng và sưởi ấm, vừa tận dụng nguồn sách tham khảo và giáo trình. Du học sinh cũng có thể tiết kiệm chi phí mạng internet bằng cách đến những khu vực cộng cộng để sử dụng miễn phí, đăng ký internet gói cước giá rẻ khoảng từ 3.000-5.000 sen/tháng.

Tiết kiệm chi phí đi lại

Tại Nhật, cách thức tiết kiệm chi phí đi lại hiệu quả nhất là tích cực sử dụng các phương tiện công cộng. Trong một tháng, nếu khoảng cách đi lại giữa nơi bạn ở và trường học gần, chi phí khoảng 10.000 yên. Vậy nên, du học sinh nhớ đăng ký thẻ tàu hàng tháng hay còn gọi là Teikiken. Thẻ này dành cho hành khách đi lại thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, và có thể mua trước để sử dụng trong 1, 3 hoặc 6 tháng, mua càng dài hạn giá càng tiết kiệm.
Với chiếc thẻ này, các bạn có thể tự do đi lại trong một quãng đường đã định (từ ga A đến ga B) liên tục trong khoảng thời gian đã đăng ký mà không tốn thêm phí. Đặc biệt, nếu các bạn xuất trình thẻ sinh viên thì được hưởng một mức phí đặc biệt, chi phí đi lại có thể giảm một nửa so với số tiền dự tính.

Nếu nơi ở của bạn cách trường học và chỗ làm thêm không xa lắm, có thể trang bị một chiếc xe đạp để di chuyển. Khoảng 7.000 – 8.000 yên cho một chiếc xe đạp cũ, tuy có hơi vất vả nhưng bạn có thể thoải mái di chuyển mà không phải lo đến chi phí. Đặc biệt, tại Nhật, xe đạp được phép đi lại trên vỉa hè (có quy định lối đi riêng) nên việc sử dụng xe đạp hàng ngày rất an toàn, tiện lợi.

Nguồn: kilala.vn

Bài cùng chuyên mục